Nguyễn Khắc Chinh sinh năm 1984, họa sĩ xuất thân từ một người làng thực sự ở miền đất trăm nghề, vùng Cát Quế, Hoài Đức, nơi có giống bưởi ngon, vài nghề tiểu thủ công nổi tiếng, vô số đền chùa, và truyền thống đấu vật. Đối với người làm nghệ thuật, thì một tấm phông nền văn hóa làng như vậy, quả là một niềm tự hào.
Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 2006, họa sĩ sở hữu một tay nghề sơn dầu thuần thục, được rèn luyện ngay từ trong những triển lãm nhóm thời sinh viên, và việc tham gia triển lãm được duy trì liên tục và đều đặn, suốt từ khi họa sĩ bắt đầu theo nghiệp vẽ cho đến giờ. Người nghệ sĩ trẻ đặt mình vào nghệ thuật thật nghiêm túc, kiên quyết thủ tiến, nhẫn nại và chắc chắn như một…đô vật. Chinh bảo, “anh làm việc đúng giờ như công chức nhà nước”. Sự nghiêm túc trong công việc nghệ thuật – điều mà thế hệ trẻ của mỹ thuật nên trang bị cho mình nếu muốn ra khỏi ngưỡng cửa biên giới – để lại dấu hiệu dễ nhận thấy trên tác phẩm của họa sĩ. Nhất là trong loạt tranh được bày trong triển lãm cá nhân “Cuộc sống của Manequin” lần này.
Loạt tranh bày tỏ nhiều tính tự sự cá nhân. Nhìn kỹ, cảm nhận được sự tham vọng và khao khát của tác giả từ những biểu tượng mà họa sĩ muốn xây dựng thành phong cách. Tham vọng là tham vọng bao quát được những gương mặt phổ quát của đời sống họa sĩ đang sống, nhất là lớp trẻ. Họa sĩ vẽ những điều mình cảm nhận thông qua việc tạo ra rất nhiều khuôn mặt phi thực… giống nhau ở cái vỏ vô hồn vô cảm. Sự tiết chế và kiểm soát liên tục diễn ra trên một hình thể hay nhóm hình thể mà tác giả mô tả với trạng thái hoài nghi gây cho người xem cảm giác bức bối khó tả, có lẽ là đạt dụng ý. Còn khao khát, là khát khao về thông điệp rõ ràng nhắc nhở người xem rằng, hãy nhìn lại cuộc sống của từng cá nhân, xem mình đã sống phần nhiều với cảm xúc thực của mình chưa hay là sống phần nhiều như là ma nơ canh trong “thời nhôm nhựa” này. Tiến tới một thông điệp rộng mở hơn, con người bị ma-nơ-canh hóa, chất người biến đổi thành chất công nghệ người, công nghệ người này còn đi cả vào trong những ứng xử với truyền thống… Điều này, hoàn toàn có thể mạnh mẽ và ám ảnh hơn nữa, nếu như sự nghi hoặc mơ hồ trong những cử chỉ của hình tượng, cũng như không gian của tranh được đẩy sâu vào cảm thức trừu tượng hơn nữa…
Lai Châu ngày 29/8/2014